Cách nói không với sếp lớn

Bạn nói rằng việc này không thuộc trách nhiệm công việc của bạn. Nếu bạn nói không với lý do này, sếp sẽ ghép bạn

Bạn bất ngờ được sếp thông báo rằng cuối tuần này phải làm thêm, nhưng bạn đã có một số kế hoạch riêng khá quan trọng và như vậy kế hoạch này đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” trong vài phút, không những thế lý do làm thêm mà sếp đưa ra lại thiếu sự thuyết phục…
Phàm là người đi làm và có nhận lương, ai cũng ít nhất một vài lần trong đời gặp phải tình huống này. Những lúc như vậy bạn sẽ “giải quyết” thế nào với sếp? Theo một điều tra dành cho giới nhân viên văn phòng, khi giữa sếp và nhân viên nảy sinh bất đồng ý kiến thì chỉ có 30% người dám trả lời “Không”, 30% trả lời sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế còn một số % khác thì nói rằng: Rất khó có thể nói “Không” với sếp, với họ cách tốt nhất là nói “Không” với chính bản thân mình.

Cuộc điều tra còn cho biết thêm, nhân viên ở các nước Âu Mỹ nói “Không” với sếp “mạnh dạn” hơn nhân viên ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Về vấn đề này các chuyên gia tâm lý nhận định, truyền thống “trung quân” đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người Á đông nói chung khiến chúng ta nhiều khi nói “Vâng” với sếp một cách vô thức. Chúng ta đang hiểu nhầm chữ “Không” và mặc định “Không” có nghĩa là cự tuyệt, là từ chối.

Thực tế cho dù bạn nói “vâng” hay “Không” thì đó cũng chỉ là một cách giao tiếp. Đôi khi nói “Không” lại là cách thuyết phục tích cực nhất, giống như chuyên gia đàm phán nổi tiếng người Mỹ William Ury đã viết trong cuốn sách mới nhất của ông “Tích cực nói KHÔNG”. Theo ông, nói “Không” nghĩa là dùng thái độ tích cực hơn để đối diện với chính mình, đối diện với đối phương và đối diện với vấn đề. Mục đích của việc tích cực nói “Không” là khuyến khích đối phương xóa bỏ hiểu lầm, là quá trình để hai bên đạt được nhận thức chung, nói “Không” thực chất là một hình thức khác của nói “OK”.

1. Trước khi nói “Không” hãy lắng nghe ý kiến của người đối thoại


Công ty bạn tổ chức một buổi hội thảo và phòng bạn có trách nhiệm mời một số khách hàng tham gia, ý của sếp là phải mời càng nhiều khách đến dự càng tốt, vì thế khi thấy bạn chỉ mời một ít người sếp tỏ vẻ không hài lòng và muốn bạn mời thêm. Nhưng bạn lại nghĩ khác, bạn không đồng ý với cách mời khách không chọn lọc của sếp và bạn đã chủ động gặp sếp để trao đổi công việc. Bạn đưa ra những phân tích như Công ty A hy vọng gì ở hoạt động này? Công ty B kỳ vọng điều gì? Còn chúng ta muốn gì từ các khách hàng?… Trong lúc phân tích vấn đề hãy chứng minh cho sếp thấy theo bạn nhiều khách mời không quan trọng, điều quan trọng là chất lượng của khách mời. Trong trường hợp này mục đích của việc nói “Không” là để thống nhất ý kiến với sếp, muốn vậy trước hết bạn cần phải lắng nghe, tìm hiểu mục tiêu của sếp, sau đó mới đưa ra ý kiến phân tích của bạn. Chỉ có như vậy bạn và sếp mới có thể nhanh chóng tìm được hướng đi chung.

2. Khi nói “Không” hãy chứng tỏ mức cần thiết của mình trong công việc

Khi còn trẻ bạn đam mê công việc và thấy công việc là quan trọng nhất. Vì công việc bạn có thể bỏ tập thể dục, hoãn đến các Spa, thậm chí quên cả chuyện yêu đương. Tối muộn bạn mới về nhà ngủ, sáng ra lại vội vàng đến công ty… Nhưng khi bạn lập gia đình rồi có con, gia đình sẽ là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của bạn, kể cả bên cạnh nó là công việc bạn yêu thích, hay ông sếp đầy quyền uy. Tuy nhiên, trong công việc và sếp rất cần sự có mặt của bạn, bạn cũng nên cân nhắc xem việc nào có thể thu xếp, việc nào cần được ưu tiên hơn… và hãy làm việc với tâm trạng thực sự thoải mái. Hãy nhớ, sự căng thẳng và ức chế sẽ chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc mà thôi.

3. Hãy nói “Không” trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau

Có một câu chuyện như sau: Giám đốc của một công ty nọ nổi tiếng keo kiệt, nhân viên dưới quyền đều gọi ông ta là “lão hà tiện”, có người vô tình, có kẻ thì cố ý thường hay nói “Không” với những mệnh lệnh mà ông ta đưa ra. Một lần, trong một bữa nhậu say, ông giám đốc tâm sự với mọi người về tuổi thơ đầy tức tưởi của mình: Ông có người cha nghiện cờ bạc nên gia đình luôn trong tình trạng túng quẫn, nợ nần chồng chất, một hôm đi học về nhà ông thấy rất nhiều người đang đứng vây quanh cổng, khi ông mở cửa vào nhà cha của ông nói: “Suỵt, con trai, chúng ta sẽ cùng chơi trò giữ im lặng và thi xem ai sẽ là người giữ im lặng được lâu nhất nhé”. Nhiều lần ông phải chơi “trò chơi” này, và cho đến một ngày khi mở cửa bước vào nhà ông thấy cha mình đã treo cổ tự sát. Từ khi đó ông ta đã thề sẽ không để một đồng xu nào lọt khỏi tay mình.

Suy nghĩ của mỗi người giống như tảng băng, những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng dẫu rằng đằng sau mỗi sự phán đoán đều ẩn chứa rất nhiều vấn đề. Đó là hệ thống giá trị và mẫu tư duy sâu sắc được hình thành từ khi con người ta sinh ra cho đến bây giờ. Sếp có lập trường, có cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề và có sự am hiểu nhất định của riêng ông ta. Chúng ta chỉ có thể nói “Không” trên cơ sở tôn trọng sếp thì mới dễ đạt được sự chấp thuận. Như thế cho dù bạn không trực tiếp nhận được sự đồng thuận của sếp thì việc bạn nói “Không” cũng không gây tổn thương đến quan hệ hai bên. Ý nghĩa lớn nhất của việc nói “Không” là được bày tỏ những suy nghĩ thực sự của mình, xóa bỏ những hiểu nhầm chứ không phải là ép sếp phải chấp nhận ý kiến của bạn.

4. Hãy tự hỏi mình tại sao lại nói “Không”

Khi bạn cảm thấy không thoải mái về một chính sách mới của công ty, hoặc tức giận về một cử chỉ của sếp, trước hết bạn hãy trấn tĩnh, dành thời gian suy nghĩ, lắng nghe tâm trạng của mình lúc đó, hãy đặt ra những câu hỏi tại sao cho mình. Hãy suy nghĩ kỹ về những lợi ích bạn đang nhận được hoặc những yêu cầu, thậm chí hãy đánh giá đúng bản thân bạn để hiểu được vì sao mình nói “Không”, nói “Không” để đạt được sự chấp thuận như thế nào?

5. Hãy lắng nghe và thấu hiểu sếp của bạn

Hãy tôn trọng sếp và lắng nghe những ý tưởng và yêu cầu của sếp, hãy hỏi rõ những điều cần hỏi, cố gắng lĩnh hội tối đa mục tiêu và coi trọng những ý tưởng của sếp. Sau đó hãy đối chiếu với những ý tưởng của bạn, xem chỗ nào đã nhất trí, chỗ nào còn bất đồng thì bàn bạc với sếp để đi đến sự đồng thuận cuối cùng. Chỉ có như thế chữ “Không” bạn nói ra mới thực sự hiệu quả.

6. Nói “Không” cũng cần phải có mục đích

Bạn đã làm việc tận tụy và nỗ lực hết mình cho công việc và bạn nghĩ rằng sếp sẽ đánh giá được khả năng cũng như cho bạn cơ hội thăng tiến. Nhưng mọi việc không có vẻ như bạn kỳ vọng, và bạn nhận thấy mình bị đối xử bất công so với nhiều nhân viên khác. Mặc dù vậy, bạn quyết định nói “Không” với sếp bởi bạn thấy rằng mục đích của bạn khi đến làm ở công ty là học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và thực tế để có cơ hội làm việc ở đây cũng là một điều khá khó khăn. Vì vậy, trước khi nói “Không” hãy nói “Ok” bạn cần phải suy nghĩ xem mục đích là vì điều gì.

7. Đưa ra một kế hoạch khả thi khác là điều cần thiết để nói “Không”

Nói từ “Không” không hề dễ và đưa ra một phương án thay thế khác còn khó hơn. Vì vậy mỗi khi đưa ra một ý kiến phản bác, bạn có tự tin khẳng định mình sẽ đem lại sự lựa chọn tốt hơn? Còn nếu bạn nói “Không” mà không có cách giải quyết thỏa đáng thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cuối cùng, hãy nhớ đừng có thường xuyên nói “Không” với sếp kẻo có ngày chính sếp sẽ “Say No” với bạn!

Bạn sẽ nói “Không” với sếp trong trường hợp nào sau đây:
– Khi nảy sinh bất đồng giữa bạn và sếp?
– Khi nảy sinh bất đồng giữ ý kiến của sếp với ý tưởng của bạn?
– Khi những hành động của sếp bạn thấy không “tâm phục khẩu phục” và thấy mình đang phải chịu một áp lực rất lớn?

Và bạn sẽ nói “Không” với sếp ra sao? Nói như thế nào để sếp dễ dàng gật đầu chấp thuận?

Những lý do không thể chấp nhận để bạn nói “Không” với sếp:
1. Bạn vội vàng từ chối nhiệm vụ mới mà chưa kịp suy nghĩ hay tìm hiểu nhiều về nó. Như thế sếp sẽ đánh giá bạn là người ngại khó, ngại khổ và để lại những ấn tượng không hay chút nào.
2. Bạn thấy dự án mới này có vẻ quá khó nhưng bạn chưa đưa ra lý lẽ chính đáng thuyết phục sếp. Như thế sếp sẽ đánh giá bạn là người an phận, không có tinh thần cầu tiến.
3. Bạn nói rằng việc này không thuộc trách nhiệm công việc của bạn. Nếu bạn nói không với lý do này, sếp sẽ ghép bạn vào danh sách những người thiếu tinh thần hợp tác (teamwork) trong công việc.
4. Bạn từ chối nhiệm vụ vì đang vướng bận một công việc riêng và không có nhiều thời gian đầu tư cho nó. Nếu như vậy chẳng có sếp nào để yên cho bạn lấy việc riêng chi phối công việc như thế.

Những tình huống bạn xứng đáng được nói “Không” khi sếp giao nhiệm vụ mới:
1. Bạn đang phụ trách một dự án quan trọng và không đủ thời gian cũng như sức lực để có thể đảm nhiệm một dự án mới (cho dù bạn có lỗ lực hết mình).
2. Bạn phải dành nhiều thời gian phát triển cho dự án mới này và điều đó ảnh hưởng đến các công việc bạn đang làm.
3. Bạn thừa nhận dự án này vượt quá khả năng của bạn và bạn biết chắc mình không thể hoàn thành đúng hạn.
4. Bạn không phải là người duy nhất trong công ty có thể đảm nhiệm công việc mới này.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *